Sim "lục quý 9" bị thu hồi và bán cho người mới sau ba tháng bị khóa khiến chủ cũ khiếu nại, trong khi nhà mạng nói làm đúng quy định.
Đăng Quang (Hà Nội) cho biết do thời gian dài công tác, anh không sử dụng đến số điện thoại với đuôi 999 999. Vào tháng 11, khi mở lại, anh mới biết số của mình bị thu hồi. Đây là thuê bao thuộc nhà mạng Vinaphone, đăng ký dưới dạng thuê bao trả trước và tài khoản còn ba triệu đồng.
Ngày 20/11, người này ra phòng giao dịch và được thông báo số điện thoại đã được khởi tạo cho khách hàng mới, không thể cấp lại. Theo anh Quang, đây cũng là thời điểm vừa hết 90 ngày kể từ khi thuê bao bị khóa hai chiều. Không hài lòng với trả lời từ nhà mạng, ngày 8/12, anh đăng thông tin lên mạng xã hội.
"Sim của tôi dùng 15 năm nay cùng nhiều số Vinaphone khác chắc chắn không phải là SIM rác", anh viết. "Các số điện thoại này gắn với các tài khoản ngân hàng, tài khoản online nên ảnh hưởng và rủi ro lớn".
Người dùng đến làm thủ tục tại một cửa hàng Vinphone ở Hà Nội. Ảnh: Lưu Quý
Trong bài đăng, anh đính kèm văn bản trả lời từ nhà mạng rằng họ làm "đúng quy định". Bài viết gây ra nhiều ý kiến trái chiều giữa một bên cho rằng nhà mạng không sai và lỗi thuộc về người dùng, trong khi số khác nói nhà mạng "cố tình tìm cách để thu hồi và chuyển nhượng SIM thật nhanh để trục lợi".
Trên thị trường, sim với sáu số liền trùng nhau, được gọi là sim "lục quý", thường có giá trị cao. Tại một chợ mua bán sim, các sim "lục quý 9" được rao bán với giá từ 1,7 tỷ đến 6,9 tỷ đồng, tùy thuộc nhà mạng cũng như đầu số.
"Sim số đẹp không chỉ để nghe gọi, mà còn là tài sản có giá trị có thể bị kẻ gian nhòm ngó, vì vậy cần được nhà mạng hỗ trợ nhiều hơn", Văn Nam, một người đang dùng sim "ngũ quý", nói. Dẫn trường hợp bản thân, anh cho biết thuê bao số đẹp thực tế phải đánh đổi bằng thủ tục phức tạp hơn sim bình thường. Ví dụ việc đổi eSIM,tải go88 chuyển mạng giữ số, các thuê bao khác có thể làm online, người dùng sim số đẹp luôn phải đến trực tiếp và trải qua nhiều bước xác thực để đảm bảo chính chủ.
Ngoài ra, một số cho biết nhà mạng bán số đẹp với giá cao hơn số khác, vì vậy cần biện pháp chăm sóc tương xứng thay vì chỉ làm theo quy định chung.
Ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến nói đây là lỗi của người dùng khi không nắm rõ quy định và phải tự chịu trách nhiệm. "Sim nào cũng là sim. Trước khi sử dụng cần đọc kỹ hướng dẫn thay vì đòi người khác bảo vệ riêng cho mình", người dùng Thế Tâm bình luận.
Trong thông báo tối 9/12, Vinaphone tiếp tục khẳng định việc thu hồi số thuê bao di động trả trước hết hạn sử dụng "được Bộ Thông tin và Truyền thông quy định" và được nhà mạng công bố áp dụng công khai từ nhiều năm nay. "Việc này nhằm tối ưu hiệu suất khai thác kho số viễn thông và hạn chế tình trạng SIM rác", thông báo nêu.
Theo quy định, thuê bao trả trước khi hết hạn sử dụng tài khoản sẽ bị khóa một chiều,10 ngày sau sẽ bị khóa hai chiều. Trước mỗi lần khóa, nhà mạng sẽ gửi tin nhắn thông báo. Sau khi bị khóa hai chiều, số của thuê bao sẽ được lưu trên hệ thống trong 30 ngày, sau đó được lưu giữ tiếp 15 ngày để xem xét cấp lại nếu khách hàng có nhu cầu. Quá thời hạn này, số thuê bao sẽ được tái sử dụng theo quy định.
Trong trường hợp trên, Vinaphone cho biết số thuê bao đã bị khóa một chiều ngày 19/8, khóa hai chiều ngày 29/8, lưu giữ số và chờ khôi phục đến 12/10, tức 45 ngày kể từ khi khóa hai chiều. Trong các ngày 14-16-18/8, 24-26-28/8, nhà mạng đã nhắn tin cảnh báo thuê bao có thể bị khóa một chiều và hai chiều.
"Sau khi gửi đi tin nhắn thông báo, VinaPhone không ghi nhận phản hồi của khách hàng và số thuê bao trên không phát sinh sử dụng dịch vụ viễn thông", đại diện nhà mạng cho hay. Đến 19/11, số này được tái sử dụng và đưa vào chế độ phát hành mới.
Vinaphone cũng cho biết với một số thông tin chưa đúng sự thật, có tính quy chụp, làm mất uy tín và có dấu hiệu vi phạm, nhà mạng đã đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ xử lý theo quy định của pháp luật.
Lưu Quý